Đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận được cấp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất một cách hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thực hiện thủ tục cấp giấy tờ còn nhiều bất cập. Do đó bài viết sẽ cung cấp cho ban quy định pháp luật về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để bạn nắm được rõ nhất. thông tin về nhà đất hiện hành.

Khái niệm “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”

– “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất” (Khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai 2013).

giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Hình ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Nguyên tắc đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo thửa đất. Trường hợp có nhiều thửa đất nông nghiệp tại xã, phường, thị trấn thì được cấp 1 giấy chứng nhận.
  • Nếu thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì trong giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng các tài sản đó và cấp cho mỗi người 1 giấy chứng nhận; nếu các chủ sử dụng, chủ sở hữu yêu cầu thì cấp chung 1 giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
  •  Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất chỉ sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật mới được nhận giấy chứng nhận. Trường hợp người sử dụng, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất không nằm trong đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, được miễn, được ghi nợ nghĩa vụ tài chính và thuê đất trả tiền hàng năm thì được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  • Trường hợp là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và chồng vào giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận ghi tên một người. Nếu là tài sản chung của vợ chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của một người thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận khác ghi cả họ, tên vợ và chồng theo yêu cầu.
  • Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu thực tế với giấy tờ hoặc giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới đất không thay đổi so với ban đầu, không có tranh chấp với người sử dụng đất liền kề thì số liệu sẽ được xác định theo thực tế. Người sử dụng đất không cần nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có).

Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi và diện tích đất thực tế nhiều hơn trên giấy tờ thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) sẽ được cân nhắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định trong Điều 99 của Luật này.

Đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Để đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp trực tiếp về bộ phận tiếp nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường.

giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Thời hạn giải quyết giấy chứng nhận của các cơ quan thông thường không quá 22 ngày

Hồ sơ bao gồm:

(1) Đơn đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;

(2) Giấy tờ về quyền sử dụng đất (bản sao một trong các giấy tờ đã công chứng hoặc chứng thực, hoặc bản sao và xuất trình bản chính):

(3) Giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp tài sản đó là nhà ở (bản sao đã công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao giấy tờ kèm xuất trình bản chính)

(4) Đối với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng cần một trong số những loại giấy tờ sau (có thể là bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực hoặc bản sao giấy tờ kèm xuất trình bản chính):

– Giấy chứng nhận, giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản xác định Nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng sản xuất;

– Giấy tờ về rừng sản xuất là rừng trồng;

– Hợp đồng, văn bản về việc mua bán, cho tặng, thừa kế đối với rừng sản xuất là rừng trồng đã được công chứng hoặc chứng thực;

– Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân, giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đã có hiệu lực pháp luật;

– Trường hợp không có giấy tờ về quyền sở hữu rừng mà đã trồng rừng sản xuất bằng vốn của mình thì phải được xác nhận bởi Văn phòng đăng ký đất đai;

– Tổ chức trong nước thực hiện dự án trồng rừng sản xuất không dùng ngân sách nhà nước thì phải có quyết định phê duyệt, đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất;

– Đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở các nước khác thực hiện dự án trồng rừng sản xuất phải được phê duyệt, quyết định đầu tư, có giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư;

(5) Một trong các giấy tờ sau với trường hợp chứng nhận quyền sở hữu thuộc về cây lâu năm (bản sao giấy tờ đã công chứng, chứng thực hoặc bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính):

– Giấy chứng nhận, giấy tờ về quyền sử dụng đất trong đó Nhà nước công nhận giao đất, cho thuê, ghi nhận quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm phù hợp với mục đích sử dụng trên giấy tờ;

– Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán, biếu tặng, thừa kế đối với cây lâu năm;

– Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sở hữu cây lâu năm đã có hiệu lực;

– Đối với tổ chức trong nước thì phải có quyết định phê duyệt hoặc đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư để trồng cây lâu năm theo quy định của pháp luật;

(6) Một trong những hợp đồng sau: hợp đồng thuê đất, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác trong kinh doanh hoặc văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho phép xây dựng, tạo lập tài sản được công chứng hoặc chứng thực và bản sao của chúng.

(7) Văn bản chấp thuận của người sở hữu đất đồng ý cho xây dựng nhà ở hoặc tài sản khác gắn liền với đất đã được công chứng theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ liên quan về quyền sử dụng đất.

(8) Tờ khai lệ phí trước bạ nhà, đất (Mẫu số 01/LPTB của Thông tư 156/2013/TT-BTC

Hoặc bạn cũng có thể tải về những mẫu văn bản tại đây: https://drive.google.com/file/d/1CY7wbzWEUVMBhFH9LlSkV0bzZHKA95hM/view?usp=sharing

Việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không quá phức tạp khi bạn hiểu được nguyên tắc cũng như các quy định của nó. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn phần nào nắm được những thông tin hữu ích và áp dụng nó vào đời sống một cách hiệu quả nhất!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *